Ông Lê Văn Mảnh (ngụ xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) bón vôi cho cây sầu riêng, giúp nâng độ pH trong đất

Đợt hạn mặn vừa qua, vườn sầu riêng hơn 8.000m2 của ông Lê Văn Mảnh (ngụ ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) bị thiệt hại nặng. Trong số 160 gốc sầu riêng, có hơn 15% gốc bị khô cành, rũ lá do thiếu nước tưới. Để cứu diện tích sầu riêng có nguy cơ chết, hạn chế thiệt hại, gần 2 tháng qua, ông Lê Văn Mảnh liên tục thuê nhân công đào san gạt bầu gốc, rải vôi lên trên để nâng độ pH trong đất, phục hồi bộ rễ cho cây. Đồng thời, tưới dưỡng rễ, bón phân lân, phân hữu cơ…

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thiết (ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, để né mặn và kích thích vườn sầu riêng cho trái nghịch vụ vào tháng 7 âm lịch, từ tháng 4, gia đình ông xiết nước tưới. Tuy nhiên, do hạn mặn kéo dài, sầu riêng bị thiếu nước trầm trọng nên 40% gốc sầu riêng trong vườn bị héo rũ, có nguy cơ chết. Khoảng 1 tháng qua, gia đình ông Thiết sử dụng loại phân hữu cơ chuyên dụng để kích thích sầu riêng bén rễ, phục hồi.

Tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), chủ nhà vườn Sáu Tâm chia sẻ, khô hạn kéo dài kết hợp độ mặn tăng cao, vườn dừa xiêm xanh với diện tích 1ha của ông bị ảnh hưởng nặng, hàng trăm cây dừa trong vườn cho trái nhỏ hơn mọi năm. Ông Sáu Tâm hiện đã xử lý phân hữu cơ, rồi dùng các loại phân bón vô cơ chuyên dụng cho cây dừa để bón giúp cây dừa sinh trưởng và phục hồi tốt hơn. Ông Đặng Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách), thông tin, người dân sử dụng nhiều giải pháp phục hồi vườn cây để chuẩn bị cho trái. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp các viện, trường tổ chức nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, nhất là phục hồi vườn cây ăn trái sau hạn mặn.

Theo TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, huyện có khoảng 1.300ha sầu riêng, tập trung chủ yếu ở các xã: Hòa Nghĩa, Phú Phụng, Long Thới, Sơn Định, Hưng Khánh Trung B, Tân Thiềng… Đơn vị đã tập huấn nông dân nắm vững kỹ thuật trồng, xử lý sau hạn mặn, nhằm kéo giảm thiệt hại.

Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, cho biết, ngành nông nghiệp tập trung triển khai các giải pháp phục hồi chung cho từng vùng sản xuất, kết hợp giải pháp thị trường. Một số vùng sản xuất cây ăn trái cũng đã chuyển đổi “né mặn” mang lại hiệu quả thiết thực, như: Chợ Lách, Châu Thành… nông dân xử lý cho trái sớm trước khi nước mặn xâm nhập hoặc siết nước lúc đỉnh mặn xử lý cho trái nghịch vụ vừa bán được giá cao, vừa bảo vệ được vườn cây. Hiện bước vào đầu mùa mưa, nông dân tập trung các giải pháp để phục hồi giúp cây phát triển nhanh hơn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh Bến Tre có 2.760ha, trong đó trên 1.930ha cho trái. Toàn tỉnh đã xây dựng được 15 mã số vùng trồng với diện tích 443ha sầu riêng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp từng bước thay đổi tập quán sản xuất bằng các giải pháp kỹ thuật để nhà vườn thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt như hiện nay.

Tin liên quan

Sống chung với hạn, mặn

Xuyên đêm đưa nước ngọt từ Tây Ninh về vùng hạn mặn

TÍN HUY